Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Những yếu tố và khuynh hướng phát triển của nền kiến trúc hiện đại


Ngày nay, đại đa số các nhà chuyên môn đặt tiêu chí nhân văn, nâng cao giá trị của con người trong lĩnh vực sáng tạo kiến trúc ở tầm cao nhất. Bởi suy cho cùng, tính nhân văn làm cho kiến trúc không chỉ giải quyết nhu cầu cuộc sống đa dạng của con người, mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn.

Trong thực tế nghiên cứu, thường xảy ra sự chuyển dịch khá thường xuyên những ý tưởng và phương pháp từ một lĩnh vực này sang một lĩnh vực khoa học khác cùng với việc tư duy lại các định đề. Đó là đặc tính của hoạt động sáng tạo, trở thành yếu tố phản ánh tính đa dạng trong hoạt động nghề nghiệp của tất cả các ngành khoa học trong đó có lĩnh vực kiến trúc.

Như vậy, tư duy theo kiểu đối kháng nói trên tức là đặt lại vấn đề đang được quan tâm để tìm giải pháp hợp lý nhất. Đó chính là bản chất của sáng tạo. Trong lĩnh vực kiến trúc, cách tư duy này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học (từ tìm đề tài, lập đề cương, thực hiện từng bước nghiên cứu...) hay trong sáng tác, thiết kế cụ thể một công trình kiến trúc (từ giai đoạn lập dự án tiền khả thi, lập dự án khả thi, cho đến các giai đoạn thiết kế cụ thể). Bằng cách tư duy này, các KTS tự hoàn thiện khả năng tư duy khoa học và nghiên cứu tạo hình, tổ hợp không gian và chức năng của công trình kiến trúc. Gần đây, những nguyên tắc nghiên cứu tổng hợp khoa học và tạo hình trong kiến trúc giữa những tiện ích kỹ thuật và đặc trưng thẩm mỹ kiến trúc ngày càng quan trọng, phản ánh được tinh thần thời đại qua công trình kiến trúc. Chính những cấu trúc và hình khối kiến trúc do các KTS nổi tiếng thế giới sáng tạo đã thể hiện rõ tính chất tổng hợp, khúc chiết và mang tính biểu đạt cao.
Vấn đề tiết kiệm năng lượng và tài nguyên hiện đang là trọng tâm trong nghiên cứu và phát minh khoa học - kỹ thuật - công nghệ. Trong kiến trúc, điều này dễ dàng nhận thấy qua vật liệu, công nghệ hoàn thiện, các giải pháp tạo hình không gian, cũng như kết cấu... Vật liệu và kết cấu có mối quan hệ hữu cơ, trực tiếp và ảnh hưởng mạnh đến hình khối kiến trúc. Trong mối quan hệ này, các yếu tố sinh thái có nghĩa lớn. Chúng đòi hỏi không chỉ sự thích nghi của kết cấu và vật liệu xây dựng với điều kiện thiên nhiên cụ thể xung quanh, mà còn đối với sự cảm nhận thẩm mỹ về hình khối kiến trúc và cảm giác an toàn của con người khi sống trong môi trường nhân tạo ấy.
Trong những năm gần đây, con người đang tập trung nghiên cứu, thiết kế công trình theo hướng giảm thiểu sử dụng tài nguyên và tận dụng hợp lý tiềm năng của thiên nhiên, đồng thời hạn chế thải chất độc hại ra môi trường, nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống và lao động của con người. Nói cụ thể hơn, là làm sao để các đô thị phát triển cân bằng, ổn định, bền vững. Đó chính là xu hướng sinh thái trong kiến trúc và xây dựng khi các nhà chuyên môn chú ý nhiều đến các yếu tố như: Phân vùng sinh thái để chọn địa điểm và định hướng chức năng khác đô thị (khu bảo tồn thiên nhiên, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư, khu sản xuất...); Quản lý quá trình thiết kế, sản xuất vật liệu, công nghệ xây dựng và khai thác sử dụng công trình theo quan điểm sinh thái; Quản lý chất thải; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo; Bảo tồn và phát triển các thành phần cơ bản của thiên nhiên trong không gian kiến trúc đô thị....
Theo xu hướng này, các chuyên gia đang đẩy mạnh nghiên cứu khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như: ánh sáng, gió, thuỷ triều, địa nhiệt....
Đây là lĩnh vực mới mẻ và hấp dẫn, đặc biệt là khai thác năng lượng mặt trời ở các nước nhiệt đới - Helioarchitecture (Helio - mặt trời và Architecture), nghĩa là sử dụng năng lượng kiến trúc. Năng lượng mặt trời một tiềm năng cơ bản cho phép bù đắp nguồn điện năng hiện có, chi phí đầu tư không cao, nhưng quan trọng hơn là không gây ô nhiễm môi trường. Tóm lại, các loại năng lượng tự nhiên, không gây ô nhiễm đang được tập trung nghiên cứu, khai thác để phục vụ nhu cầu của con người.
Trên thực tế, năng lượng điện cần thiết phục vụ sinh hoạt hàng ngày trong các công trình xây dựng chiếm gần 70% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước. Vì vậy, các nhà chuyên môn khi thiết kế cải tạo và xây dựng mới các công trình dân dụng không thể không suy nghĩ theo hướng vừa tiết kiệm năng lượng, vừa đảm bảo phát triển bền vững môi trường cư trú. Đó là lý do xuất hiện các trào lưu nghiên cứu thuộc lĩnh vực như: kiến trúc phỏng sinh, kiến trúc sinh thái (ecologic architecture), kiến trúc bền vững (sustainable architecture), kiến trúc môi trường (environmental architecture), kiến trúc tiết kiệm năng lượng (energy-efficient building), kiến trúc xanh,....
Thực ra, để công trình kiến trúc và cả quần cư đô thị phù hợp với các điều kiện khí hậu tự nhiên của địa phương, mỗi dân tộc đều có những cách giải quyết riêng hợp lý - kết quả từ kinh nghiệm xây dựng trong quá khứ. Ví dụ, thuật phong thuỷ đóng một vai trò quan trọng trong xây dựng dân gian. Đó là một hiện tượng văn hoá của một số quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Gần đây, người châu Âu cũng đi sâu nghiên cứu môn khoa học thần bí này. Phải thừa nhận rằng, nếu loại bỏ phần mê tín thì phong thuỷ là đánh giá và ứng dụng cảnh quan trong thực tế xây dựng và có thể được coi là một bộ phận của khoa học quy hoạch xây dựng. Những nguyên tắc phong thuỷ như: chọn đất, xét bối cảnh địa hình, xem đất có được phong , được thuỷ sau đó chọn nơi đất lành, tránh nơi đất dữ cũng gần giống những nguyên tắc chọn địa điểm xây dựng trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng. Vì vậy, phong thuỷ áp dụng trong thiết kế và xây dựng rất cần được các nhà chuyên môn quan tâm nghiên cứu phát triển.
Hiện nay, cùng với xu thế hội nhập tất yếu về kinh tế, các quốc gia lại quan tâm đến kiến trúc truyền thống, qua đó mong muốn biểu đạt bản sắc văn hoá địa phương, dân tộc. Đó là hướng tới bảo tồn và phát huy những di sản kiến trúc của dân tộc.
Thông qua phân tích tạo hình kiến trúc, quy luật khách quan của sự phát triển kết cấu, tiến bộ khoa học - kỹ thuật - công nghệ, có thể chỉ ra 2 khuynh hướng sáng tác cơ bản đã hình thành trong kiến trúc: Thứ nhất là hoàn thiện các loại kết cấu truyền thống có giá trị để sản xuất hàng loạt. Thứ hai là, tăng cường tìm tòi để sáng tạo những loại hình khối kiến trúc và kết cấu độc đáo phù hợp với những đặc điểm thiên nhiên, khí hậu và kinh tế - xã hội của từng địa phương. Chẳng hạn, khai thác những nhịp lớn đi cùng với giảm trọng lượng của sàn và mái công trình, cho phép tìm ra được những giải pháp mới trong tổ hợp hình khối và chức năng với những hình tượng kiến trúc rõ ràng. Như vậy đòi hỏi phải nghiên cứu, khai thác những đặc tính bền vững của vật liệu và sáng tạo những hình thức kết cấu mới. Hệ thống kết cấu vỏ mỏng, kết cấu không gian, kết cấu dây treo... vì thế ra đời. Những kết cấu này có đặc tính kỹ thuật, công nghệ ưu việt hơn so với kết cấu phẳng, cho phép tạo ra được những không gian lớn, tính khúc triết về tạo hình thẩm mỹ kiến trúc. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các tác phẩm kiến trúc được sinh ra theo khuynh hướng thứ nhất, thể hiện tính kế thừa trong phát triển.
Trong tìm tòi những hình khối mới có những phương pháp sau đây: Phân tích và tổng hợp theo phương pháp kỹ sư; phân tích và tổng hợp theo phương pháp của kiến trúc sư; kết hợp của những phương pháp trên và cuối cùng là phương pháp của kiến trúc phỏng sinh.
Phương pháp phân tích theo kiểu kỹ sư là nghiên cứu và khảo sát các loại hình dạng bên ngoài và cấu trúc bên trong của đối tượng cần nghiên cứu để làm rõ những cái hợp lý nhất trên cơ sở của các phương pháp vật lý, toán học và thực nghiệm. Còn phương pháp tổng hợp theo kiểu kiến trúc sư hướng tới thiết kế những hệ thống mới dựa trên cơ sở đảm bảo sự làm việc hiệu quả của VL, nâng cao khả năng sản xuất hàng loạt hay tính chất lắp ghép của kết cấu. Cả hai phương pháp này phải trù định khả năng ứng dụng những phương pháp hình học và vật lý để có thể mô hình hoá được những ý tưởng sáng tác của các nhà thiết kế.
Đặc tính truyền thống của phương pháp tổng hợp kiểu kỹ sư là sự sáng tạo, mà sự sáng tạo này tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kiến trúc. Trong điều kiện hiện nay, rõ ràng là để sáng tạo hình khối kiến trúc với sự hỗ trợ của sáng chế kỹ thuật theo hướng giảm thiểu chi phí nhưng nâng cao được hiệu quả kinh tế - xã hội, thì sự xuất hiện vật liệu bao che mới, sự phân bố hợp lý các loại vật liệu trong các cấu kiện phù hợp chức năng mới là có ý nghĩa quyết định bên cạnh việc vận dụng thành thạo các loại thủ pháp bố cục kiến trúc quen thuộc như: đối xứng - phi đối xứng - phản đối xứng, nhịp điệu, tiết điệu...
Phân tích kiến trúc truyền thống bao gồm phân tích lôgic, phân tích các số liệu thống kê, phân tích so sánh, phân tích cấu trúc hệ thống, phương pháp so sánh lịch sử,.. Vấn đề có ý nghĩa quan trọng để phát triển và hoàn thiện hình khối kiến trúc là xây dựng mô hình lôgic, mô hình cấu trúc, những mô hình ký tự,... và vận dụng chúng vào trong thực tế sáng tạo trên cơ sở sử dụng những đặc tính nổi trội của cấu trúc kiến trúc, cách thức biểu đạt nghệ thuật, tính quy luật trong tổ hợp kiến trúc,...
Phương pháp phân tích tổng hợp kiến trúc được hiểu là sự hoàn thiện hình khối kiến trúc dựa trên cơ sở phản ánh truyền thống, vật liệu, cảm thụ không gian, hình khối, trong đó rất cần có tư duy và linh cảm nghệ thuật.
Phương pháp kết hợp là tổng hợp của những phương pháp phân tích và tổng hợp theo phương pháp kỹ sư và của kiến trúc sư với bản chất là hướng tới sáng tạo hình khối theo phương pháp "mẫu", nghĩa là tìm ra được những điều kiện nhất định để xây dựng những xê - ri kết cấu hoặc xê - ri tổ hợp kiến trúc trên cơ sở của lý trí và tư duy sáng tạo. Khi đó hoặc là tìm kiếm những thành phần mới có khả năng kết hợp với nhau hoặc kết hợp với những thành phần khác trong cùng một loại để tạo nên các phương án tổ hợp kiến trúc và kết cấu khác nhau, hoặc là tìm tòi những khả năng mới trong xây dựng những hệ thống cấu trúc mới trên cơ sở những thành phần quen thuộc.
Phương pháp cơ bản của kiến trúc phỏng sinh là phương pháp công năng tương đồng, điều này có thể hiểu là sự so sánh những nguyên tắc và phương tiện của tổ hợp hình khối trong kiến trúc và trong thiên nhiên. Trong đó, cần phải để ý đến sự khác biệt trong đặc tính của những vật liệu được sử dụng, đến vai trò của những yếu tố cơ bản để có thể bắt chước được những nguyên tắc của thiên nhiên.
Trong suốt thế kỷ XX, những vấn đề về tốc độ, năng lượng và sự tiến bộ luôn luôn chi phối sự quan tâm của nhân loại. Và con người đã làm nên "cái máy để ở" mà chúng ta có thể thấy ở khắp nơi như KTS Le Corbusieur đã gọi nhà ở là như thế. Rồi vô tuyến truyền hình, phim ảnh và internet góp phần làm cho kiến trúc và đô thị trên thế giới thêm giống nhau hơn mà tên gọi của nó là kiến trúc quốc tế. Nhưng có điều chắc chắn là tương lai kiến trúc sẽ không thể giống nhau như hệt, bởi con người ở những nơi khác nhau, có những cách nhìn và nhu cầu khác nhau về kiến trúc.

TSKH. KTS Nguyễn Xuân Đỉnh
Trường Đại học Xây dựng
(Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 11/2005)

Không có nhận xét nào: