(TT&VH) - Hôm 27/2, ban giám khảo giải Pritzker - được coi là giải Oscar của làng kiến trúc - đã trao giải cho kiến trúc sư Trung Quốc Wang Shu (49 tuổi). Đây là lần đầu tiên, giải Pritzker được trao cho một kiến trúc sư sống và làm việc ở Trung Quốc.
Theo nhận định của Ban giám khảo giải Pritzker: “Quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc hiện nay đang tạo nên một cuộc tranh cãi, liệu nên giữ truyền thống hay chỉ nên hướng tới tương lai. Nhưng các công trình của Wang có thể “đi qua” được cuộc tranh cãi đó khi những công trình của ông không chịu ảnh hưởng của thời gian, phù hợp với bối cảnh nhưng vẫn mang tính toàn cầu.
Tự nhận là một kiến trúc sư “vườn”
Wang Shu quan tâm tới việc bảo tồn, làm việc chậm và luôn coi trọng truyền thống - những đặc điểm này dường như đã bị quên lãng trong bối cảnh kiến trúc Trung Quốc hiện nay đang phát triển chóng mặt. Từ những năm 1990, Wang đã “tránh xa” những công trình đồ sộ, và làm việc với những người thợ nề bình thường để xây dựng những kiến trúc đơn giản.
Sau đó, Wang thiết kế các công trình nhà ở, bảo tàng và nhiều công trình hàn lâm khác, trong đó có khu trường sở của Viện Hàn lâm Nghệ thuật ở Hàng Châu. Ở đó, anh đã tái sử dụng những viên ngói từ những ngôi nhà bị phá dỡ.
Wang hiện sống và làm việc ở Hàng Châu và điều hành một công ty kiến trúc nhỏ được thành lập từ năm 1997 cùng với vợ là Lu Wenyu. Vợ Wang là nhân viên duy nhất trong công ty nhỏ của anh. “Không có tôi thì không có bản thiết kế nào cả. Nhưng không có vợ tôi thì không điều gì trở thành hiện thực. Mỗi lần tôi vẽ xong một bản phác thảo nào đó, cô ấy là người xem đầu tiên. Nếu cô ấy không thích, tôi sẽ vẽ lại” - Wang cho hay.
Wang khá vô danh trong làng kiến trúc quốc tế. Năm ngoái, anh từng được mời thỉnh giảng tại trường ĐHTH Harvard (Mỹ), nhưng chưa bao giờ thiết kế một công trình nào bên ngoài Trung Quốc. Wang tự mô tả mình “chỉ là một kiến trúc sư vườn”.
Wang bắt đầu vẽ khi mới 2 tuổi. Anh vẽ lên mọi thứ, từ sách tới tường nhà mình trong một ngõ nhỏ ở Bắc Kinh. 6 tuổi, Wang trở lại nơi anh cất tiếng khóc chào đời, Urumqi, cách Bắc Kinh hơn 1.500 dặm. 4-5 năm sau, khi anh trở lại Bắc Kinh, những người hàng xóm nói với anh: “Chúng tôi vẫn giữ những hình vẽ của cháu trên tường”. Wang kể, câu nói đó khiến anh cảm thấy ấm áp như thế nào. “Thế mới thực sự là hàng xóm. Và điều đó có nghĩa, những người dân thường cũng hiểu được gì đó về nghệ thuật và văn hóa”.
Từ chối các trào lưu thời thượng
Theo học trường Kiến trúc ở Nam Kinh, nhưng Wang khẳng định nếu chỉ áp dụng những gì học trong trường thì sẽ không bao giờ trở thành một kiến trúc sư giỏi. Anh từng làm việc để tu bổ những tòa nhà cũ. Đó là lúc Trung Quốc đang bùng nổ - hàng triệu người chuyển tới các thành phố và Chính phủ đã xây dựng nhiều nhà ở, trường học, bệnh viện, tuyến xe điện ngầm, tòa tháp văn phòng với quy mô và tốc độ chưa từng thấy ở nước này. Nhưng thời kỳ đó Wang “biến mất” chứ không tham gia bất cứ công trình nào.
10 năm sau, Wang tìm đến những công trình do những người thợ nề truyền thống xây dựng, và từ 8 giờ sáng đến nửa đêm anh quan sát xem họ làm việc như thế nào, họ trộn vật liệu ra làm sao và xem họ đặt cửa sổ ở đâu. Nếu dự án đó kéo dài 3 tháng thì hầu như ngày nào anh cũng có mặt. Khi không có mặt ở đó, anh lại nghiên cứu nhân loại học, triết học, lịch sử nghệ thuật và xem phim.
Wang nói làm thủ công rất quan trọng và anh không thích “kiểu kiến trúc vô hồn hiện nay”. Anh làm việc giống một họa sĩ Trung Hoa truyền thống hơn. Khi nhận thiết kế một công trình nào đó, anh tìm hiểu kỹ thành phố đó rồi trở về nhà, tư duy trong khoảng 1 tuần, nhưng không vẽ. Wang uống trà hằng ngày để có được sự điềm tĩnh, thư thái. Vì vậy, phong cách kiến trúc của anh không quá mạnh và luôn ngập trong phong cảnh.
Bảo tàng Lịch sử Ninh Ba do Wang thiết kế mang bóng dáng một pháo đài cổ
Phản hiện đại
Wang nhận được lời đề nghị thiết kế Bảo tàng Lịch sử Ninh Ba vào 3 giờ sáng. Anh biết việc của mình là phải gợi lại lịch sử của thành phố thông qua công trình kiến trúc. Anh cầm bút chì và vẽ một mạch. Bản thiết kế của anh gợi cho người ta nhớ đến một pháo đài Trung Hoa cổ đại, nhưng được xây dựng theo cách rất hiện đại, không gian bên trong rất đa dạng.
“Ngắm công trình này, bạn sẽ thấy nó được xây dựng bằng những vật liệu truyền thống, như gạch và đá, nhưng chúng được sử dụng một cách khác hẳn” - Clifford Pearson, Phó tổng biên tập tờ Architectural Record, nói.
Tại công trình tòa tháp nhà ở Vertical của Wang, người dân còn có chỗ để trồng những cây nhỏ và đó là điểm khác hẳn với những khu chung cư khác. Nhưng mãi đến gần đây, các công trình của anh mới được nhìn nhận là mang ý nghĩa lịch sử. “Sau khi tôi thiết kế khu trường của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hàng Châu và Bảo tàng Lịch sử Ninh Ba, nhiều nhà phê bình đã chỉ trích gay gắt. Họ nói tôi đã phản lại trào lưu hiện đại” – Wang kể.
Wang hy vọng, giải thưởng của mình tạo được ảnh hưởng tới các kiến trúc sư Trung Quốc trẻ và giúp họ nhận ra rằng, không nhất thiết phải phá đổ lịch sử để phát triển.
(từ internet)
1 nhận xét:
bài viết bổ ích và ý nghĩa mời bạn ghé thăm website bên mình ủng hộ Đệm Sông Hồng
Đăng nhận xét