Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Đổi mới đào tạo kiến trúc sư, một yêu cầu cấp thiết


Thời gian qua, công tác đào tạo KTS tại Việt Nam nhìn chung đã có những bước phát triển mạnh về quy mô đào tạo.

Với đặc thù là đào tạo những người làm nghề sáng tạo nên phải thường xuyên cập nhật những thông tin mới. Hiện tại, công tác này đang còn nhiều tồn tại trong suốt thời gian dài, chuyển biến còn chậm chạp, chưa theo kịp nhu cầu xã hội.

Việc đổi mới công tác đào tạo KTS là cần thiết nhưng dường như chưa trở thành một quyết tâm lớn ở các cơ sở đào tạo. Trong khi đó, yêu cầu thực tiễn lại đang đòi hỏi một sự đổi mới lớn mang tính tổng thể, tránh tình trạng đào tạo theo kiểu dập khuôn, lối mòn, không thực tiễn đang tạo nên khoảng cách ngày một xa hơn so với thế giới.


Ngày 12/10/2009, tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường, các đơn vị của trường và lãnh đạo các đơn vị của trường về công tác quản lý và đào tạo.


Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Cục Phát triển đô thị, Vụ Tổ chức Cán bộ, Kiến trúc Quy hoạch, Khoa học Công nghệ, Kế hoạch Tài chính, Hợp tác Quốc tế, Văn phòng Bộ Xây dựng. TCKTVN đã lược ghi một số ý kiến của Thứ trưởng phát biểu tại cuộc họp:


Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là trường có bề dày truyền thống đào tạo nhân lực cho ngành Xây dựng và đất nước, là một trong những địa chỉ uy tín của ngành giáo dục cũng như cơ sở đào tạo của Bộ Xây dựng.


Trong điều kiện phát triển mới của đất nước, tác động trực tiếp tới yêu cầu về chất lượng nhân lực được đào tạo. Trường ĐH KTHN đã phát huy vai trò đầu tàu của các trường đào tạo về các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, quản lý đô thị...


Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể của trường trong thời gian tới; Trong đó, nhấn mạnh về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với một số nội dung chính như:


1. Đối với công tác đào tạo


Ban giám hiệu nhà trường cần đẩy mạnh phát triển công tác đào tạo và để đáp ứng nhu cầu xã hội. Có hai mảng đào tạo chủ yếu của trường là: đào tạo kiến trúc sư, kỹ sư và đào tạo sau đại học. Nhà trường cần có cơ chế linh hoạt tìm ra những nhân tố tích cực trong đội ngũ giảng viên trẻ để bồi dưỡng làm nòng cốt phục vụ chiến lược phát triển của trường. Bên cạnh đó, cần phải mời giảng viên thỉnh giảng ở các Viện, cơ quan bên ngoài có kinh nghiệm tham gia giảng dạy.


Từng khoa, từng bộ môn phải tự đánh giá lại chương trình giảng dạy thông qua các buổi sinh hoạt học thuật mở rộng (giữa các giảng viên, giữa các bộ môn, giữa các khoa). Ban giám hiệu và các khoa cần chủ động xây dựng hệ thống giáo trình chuẩn bám sát thực tế phát triển hiện nay (giáo trình đang dạy qua nhiều năm đã cũ cần cập nhật kiến thức mới), các môn học chuyên ngành phải đáp ứng nhu cầu của từng khoa, coi đây là trọng tâm trong công tác đào tạo, từ đó đề xuất được các vấn đề cần thay đổi của chương trình dạy.


Có những môn phục vụ ít cho chuyên môn cần phải loại bỏ cũng như cần tăng cường môn mới, chuyên sâu hơn những môn học thực sự cần thiết. Sự gắn kết giữa các môn chuyên ngành như: Thiết kế, vật liệu, cơ kết cấu... cần có giáo trình riêng, phục vụ cho sinh viên kiến trúc. Chủ nhiệm bộ môn và giảng viên môn này cần có sự hợp tác, làm việc với các bộ môn khoa kiến trúc để xác định những nội dung trọng tâm phục vụ tốt cho công tác đào tạo KTS.


Thực hiện hợp tác trong nước, quốc tế phải học tập được kinh nghiệm giảng dạy xây dựng giáo trình của các trường đại học mà trường đang hợp tác. Các giảng viên được cử đi học nước ngoài, sau khi trở về phải có báo cáo về tài liệu và kiến thức của khóa học đóng góp cho bộ môn, khoa và nhà trường.


2. Đối với công tác nghiên cứu khoa học


Hiện nay, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ nhà trường đã có các đơn vị thực hiện chức năng như: Viện Kiến trúc nhiệt đới, Trung tâm nâng cao năng lực và nghiên cứu đô thị,... cần khai thác được hết tiềm năng cán bộ giảng dạy của trường; cần có sự đầu tư thích đáng cho các cơ sở NCKH này của trường. Ban giám hiệu nhà trường thực hiện các chương trình khuyến khích các giảng viên trẻ và sinh viên tham gia vào nghiên cứu khoa học hướng đến phục vụ công tác giảng dạy và các nhu cầu thực tế xã hội đang đặt ra.


3. Đối với công tác quản lý


Nhà trường cần xem xét sửa đổi lại quy chế cũ, nâng cao năng lực quản lý. Biên soạn quy chế mới về quản lý nhân sự, chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản, dịch vụ và đời sống giảng viên và cán bộ công chức... Thực hiện nghiêm túc việc quản lý giờ lên lớp của giảng viên, sinh viên; có cơ chế kích thích những nhân tố tích cực: giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giỏi, sinh viên giỏi.


Đề nghị Ban giám hiệu nhà trường nghiên cứu cơ chế chủ động cho các Khoa, phòng ban chức năng trong công tác tài chính thông qua các hình thức khoán để tự chủ. Thực hiện xây dựng quy chế hoạt động về tài chính sau khi được góp ý của từng đơn vị trong trường.


Tăng cường công tác kiểm tra việc đóng góp của các đơn vị tư vấn, dịch vụ, chuyển giao công nghệ trực thuộc nhằm phục vụ cho việc hỗ trợ nguồn kinh phí cho các hoạt động giảng dạy và NCKH của trường (Tham khảo tại các đơn vị có mô hình tương tự).


Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cũng đã đề nghị trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thành lập tổ công tác lập đề án đổi mới công tác đào tạo và giảng dạy, lấy ý kiến, hoàn thiện để báo cáo Hội đồng Khoa học và lãnh đạo Bộ Xây dựng trong thời gian sớm nhất.


Thứ trưởng BXD - TS.KTS Nguyễn Đình Toàn

Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 11/2009


Không có nhận xét nào: