1. Ngay sau khi Giải phóng Thủ đô, năm 1956 Nhà nước ta mở lớp đào tạo KTS đầu tiên gồm 26 sinh viên tại Khoá 1, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội. Học được một học kỳ thì do nhà trường không đủ cơ sở vật chất, tài liệu và giáo viên giảng dạy nên phải chuyển lớp sang Khoa Xây dựng. Một số bạn trong lớp Kiến trúc vẫn mơ ước trở thành kiến trúc sư, ham làm nghề kiến trúc, đã cùng nhau thường xuyên đọc thêm sách kiến trúc, tìm hiểu văn hóa kiến trúc, và tự rèn luyện bản thân để có được vốn kiến thức về sáng tạo nghệ thuật kiến trúc. Năm 1959 tốt nghiệp loại ưu, anh được nhà trường giữ lại làm công tác giảng dạy. Hàng ngày vẫn tự mày mò thiết kế những công trình giả định, hễ có dịp là anh nhận thêm việc để sáng tác kiến trúc. Những phương án của anh luôn được giới nghề đánh giá cao. Khi Trường đại học Xây dựng mở Khoa Kiến trúc, anh đã giảng dạy, chăm chút hướng dẫn sinh viên làm đồ án thiết kế kiến trúc. Cũng vì vậy mà những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước trong giới nghề cứ tranh luận mãi về việc có nên công nhận sinh viên của kỹ sư xây dựng đào tạo trở thành kiến trúc sư hay không? Nhưng rồi thầy và trò đều không ngừng học tập đã làm tốt công tác sáng tác kiến trúc, ý tưởng độc đáo, thậm chí còn đoạt giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế, nên chuyện cứ lắng xuống dần và đến nay không còn ai nhắc đến chuyện “trái khoáy” ấy nữa.
2. Đầu những năm 1960, các kiến trúc sư Liên Xô (cũ) thiết kế Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, khi bạn rút về nước anh Thiềm thiết kế mở rộng, xây thêm nhà học C9, có cầu thang ngoài trời hướng ra đường Giải Phóng, công trình hài hòa với tổng thể kiến trúc của bạn thiết kế, mà giá thành lại rẻ hơn. Anh cũng là tác giả nhiều nhà ký túc xá sinh viên các trường đại học Bách Khoa, Y khoa, Giao thông…
Ngày ấy hầu hết các công trình xây dựng ở miền Bắc đều làm bằng gạch nung. Để dành đất cho phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đáp ứng với trình độ khoa học - kỹ thuật của công nhân còn non nớt, anh đã khởi xướng và làm chủ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước như nhà ở lắp ghép tấm nhỏ một hai tầng thi công bằng phương pháp thủ công; nhà khung 4-5 tầng bằng phương tiện đơn giản, người lao động không cần có chuyên môn cao cũng có thể xây dựng. Anh dành nhiều thời gian nghiên cứu về bản sắc kiến trúc truyền thống, hiệu quả chiếu sáng thiên nhiên và nghệ thuật kiến trúc. Hầu như cuộc thi thiết kế kiến trúc nào anh cũng tham gia và đều trúng giải, như phương án tìm ý tưởng thiết kế Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà văn hoá huyện, nhà ở gia đình nhiều tầng, kiến trúc đầu cầu Thăng Long…
Để mở mang kiến thức, anh đã ra nước ngoài học tập, làm luận văn phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ). Để có điều kiện tiếp xúc với kiến trúc nước ngoài nhiều hơn nữa, anh đã dành 8 năm làm giáo sư giảng dạy kiến trúc ở Madagascar và Angerie.
Năm 1994 về nước, anh tiếp tục giảng dạy ở Trường đại học Xây dựng và dành thời gian viết trên một chục cuốn giáo trình đào tạo kiến trúc sư. Hầu như toàn bộ kinh nghiệm trong sự nghiệp hơn 40 năm làm công tác đào tạo kiến trúc sư được anh đúc kết trong những cuốn sách này, trong đó có 11 cuốn đã được tặng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.
3. Trong những ngày nằm trên giường bệnh, anh đã hoàn thành hai cuốn sách: “Thiết kế và chiếu sáng nghệ thuật các công trình công cộng và không gian đô thị“ và “Khía cạnh văn hoá xã hội của kiến trúc” để kịp tham dự Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2008. Những ngày gần đây anh mong đợi, chờ xem kết quả ra sao? Vừa chấm xong thì anh đã hôn mê. Anh Thiềm ơi, cứ yên tâm ra đi, sách của anh đã vào giải năm nay rồi!
Sự nghiệp của anh càng về già càng chín! Những năm gần đây, anh vẫn tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm, trong đó có công trình đã xây dựng như Trung tâm Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Yên; mở rộng Bệnh viện K Hà Nội. Một dự án khá lớn anh thiết kế đã trúng giải cuộc tuyển chọn và được trúng thầu chuẩn bị xây dựng mà anh mong mỏi trông thấy hình hài công trình được xây lên là Trung tâm giao dịch và điều hành Viễn thông Quốc gia ở quận Ba Đình, Hà Nội. Trồng cây lưu niên mà không đợi được ngày ra hoa kết quả cũng là lẽ thường tình của tuổi già, con cháu của anh sẽ thay anh hưởng lộc, hưởng trọn hương sắc mà anh để lại cho đời.
KTS Đoàn Đức Thành
(www.citycor.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét