Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2008

Thư viện Alexandria: 'Kỳ quan kiến trúc' của Ai Cập hiện đại


Thư viện Hoàng gia Alexandria ở thành phố Alexandria (Ai Cập) là thư viện công cộng nổi tiếng nhất thời cổ đại, được thành lập ngay bên bờ Địa Trung Hải từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, dưới thời Hoàng đế Ptolemy II. Thư viện này nằm trong một quần thể kiến trúc rộng lớn, bao gồm bảo tàng, đài quan sát thiên văn, thảo cầm viên và các phòng họp.


Sách cho thư viện được Ptolemy mua lại của thư viện Aristote - nơi lưu giữ những bộ sưu lập phong phú và quý giá nhất thời bấy giờ. Đến đầu thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, số sách của thư viện đã lên tới 700 ngàn bản. Alexandria trở thành thư viện phổ cập đầu tiên trong lịch sử nhân loại, thu hút nhiều nhà tư tưởng và bác học nổi tiếng đến đọc sách và nghiên cứu. Dù đã bị thiêu hủy trong chiến tranh, thư viện Alexandria vẫn được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại.


Với ý tưởng khôi phục lại thời hoàng kim của thư viện Alexandria, một thư viện mới mang tên Alexandrina đã được chính thức khai trương cách thư viện lừng danh ngày trước 200m. Bên bờ Địa Trung Hải rì rào sóng vỗ, khu liên hợp thư viện và trung tâm văn hóa Alexandrina là sự hồi sinh và phát triển của thư viện Alexandria - nơi tất cả mọi người có thể thỏa mãn lòng ham hiểu biết của mình thông qua việc tìm hiểu và trân trọng giá trị của văn hóa đọc.


Năm 1974, khi trường đại học Alexandria lựa chọn khu đất xây dựng thư viện mới nằm không xa vị trí của thư viện thời cổ đại thì kế hoạch tái tạo thư viện Alexandria đã ra đời và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo cá nhân và các tổ chức trên toàn thế giới. Một trong những nhà ủng hộ hàng đầu cho dự án này chính là ông Hosni Mubarak - Tổng thống Ai Cập hiện nay. Tổ chức Văn hóa - Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) cũng nhanh chóng quan tâm tới dự án này bởi họ hiểu đây sẽ là một điểm lý tưởng để tôn vinh văn hóa và khoa học.


Cuộc thi ý tưởng kiến trúc cho thư viện mới đã được UNESCO tổ chức năm 1988 nhằm tìm ra kiến trúc sư xứng đáng nhất với giá trị của di sản. Sau cùng, kiến trúc sư Snohetta (người Na Uy) đã vượt qua hơn 1.400 “đối thủ” để trở thành người chiến thắng. Năm 1990, ngay tại hội nghị phát động quyên góp cho việc xây dựng thư viện mới, các nhà tài trợ đã hứa một con số khổng lồ: 65 triệu USD (hầu hết là từ các quốc gia Ả Rập). Chiến dịch xây dựng bắt đầu từ năm 1995 và sau 7 năm thi công với tổng số tiền lên tới 220 triệu đô la, nhân loại đã chính thức có thêm một kỳ quan văn hóa hiện đại vào ngày 16/10/2002.


Quy mô của thư viện Alexandrina đặc biệt to lớn bởi đây là ngôi nhà cao 11 tầng, chứa hơn 8 triệu cuốn sách với các phòng đọc trải rộng trên một diện tích 70.000 m2, có thể phục vụ hàng ngàn người cùng lúc. Cùng với đó là một loạt những công trình phụ trợ như trung tâm hội nghị, thư viện đặc biệt dành cho người mù và khiếm thị, thư viện cho trẻ em, cho thanh niên…

Ngoài ra, một hệ thống các bảo tàng, các phòng trưng bày nghệ thuật, những phòng lưu giữ đồ cổ giá trị, những bản viết tay cổ nhất trong lịch sử, khu khám phá thiên văn học, khám phá lịch sử thành phố Alexandria và Địa Trung Hải... đều được xây dựng hết sức hiện đại, công phu mà không mất đi vẻ cổ kính, thâm trầm. Kiến trúc của thư viện Alexandrina được thiết kế vô cùng ấn tượng. Phòng đọc chính được bố trí dưới một mái vòm kính cao 32 mét, hướng ra phía biển như một chiếc đồng hồ mặt trời. Những bức tường dựng bằng đá granite nâu của vùng Aswan được chạm trổ tinh vi theo dạng chữ viết cổ của 120 tộc người trên trái đất.


Với mục tiêu trở thành một cửa sổ mở ra thế giới cho người Ai Cập, mở đường vào Ai Cập cho du khách 4 phương, thư viện Alexandrina đã thực sự là trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong thời đại kỹ thuật số. Nơi đây được trang bị hệ thống kỹ thuật hiện đại nhất từ thiết bị nghe nhìn, phòng truyền thông đa phương tiện đến phòng xem văn bản dạng thu nhỏ (microform) và hệ thống Internet hoàn hảo.


Là trung tâm học tập, trao đổi, nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trên thế giới, thư viện Alexandrina khẳng định tinh thần nguyên bản của thư viện Alexandria cổ xưa, đó là: hướng tới sự hiểu biết và khoan dung giữa các nền văn hóa và giữa các dân tộc. Chính vì ý nghĩa cao cả đó, nơi đây luôn thu hút khoảng 800 ngàn du khách mỗi năm, trở thành điểm đến khống thể thiếu trong hành trình của du khách năm châu khi tới thăm đất nước Ai Cập.

Không có nhận xét nào: