Trong xây dựng nhà cửa hay đơn giản là sắp xếp đồ trong một căn phòng sao cho hợp lý và đúng kích thước các đồ vật bạn sẽ không thể không dùng đến thước đo. Vậy phải dùng thước như thế nào cho đúng và phát huy hết hiệu quả sử dụng của nó?
Nhiều bạn rất băn khoăn về thước Lỗ Ban (loại thước hay dùng trong làm nhà, dựng cửa) rằng: Thước Lỗ Ban là gì, cấu tạo và cách sử dụng ra sao, các loại thước trên thị trường hiện nay có phải là thước Lỗ Ban hay không? Để giải đáp phần nào thắc mắc của bạn đọc, chúng tôi xin đề cập đến vấn đề sử dụng kích thước trong phong thuỷ truyền thống và hiện đại cũng như cách ứng dụng thước đo trong làm nhà theo phong thuỷ như thế nào.
Thước lỗ ban tiếng Việt hiện phổ biến hiện nay. Hàng trên cùng là đơn vị Inch, dưới cùng là đơn vị mét. Các khoảng trên là ghi theo thước trực 8 dài 42,8cm, các khoảng dưới ghi theo thước trực dài 38,8cm. |
Sự ảnh hưởng văn minh phương tây đã làm “biến mất” nhiều hệ thước đo truyền thống của đa số các nước, trong đó có Việt Nam. Mọi kích thước về kỹ thuật, mỹ thuật hiện nay đều dùng hệ đo mét (nguồn gốc: Pháp), và có một vài sản phẩm dùng hệ đo inch (nguồn gốc: Anh, 1 inch = 2,54 cm). Hệ thống thước đo được sử dụng trong thời Nguyễn (1802 – 1945), thời kỳ chế độ quân chủ cuối cùng tại Việt Nam, cũng là hệ thước đo còn lưu truyền phần nào hiện nay. Để đo đất – làm nhà – dựng cửa, thời Nguyễn phổ biến hệ thước đo ruộng đất (điền xích) và hệ thước mộc (mộc xích). Loại thước lỗ ban mà hiện nay ta biết là thuộc hệ thước mộc, vốn được dùng chủ yếu trong các công trình kiến trúc truyền thống.
Hiện nay tồn tại hai nhóm thước chính, đó là thước kỹ thuật và thước tín ngưỡng (hay còn gọi là thước lỗ ban). Theo các nghiên cứu của tác giả Phan Thanh Hải công bố trên tạp chí Kiến Trúc số 3/2003 (hội Kiến trúc sư Việt Nam) thì thước lỗ ban khá phức tạp bởi có rất nhiều loại với quan niệm và cách sử dụng khác nhau. Lỗ Ban là tên một người thợ mộc Trung Hoa cổ đại, tương truyền đã phát minh ra cưa, đục và các dụng cụ nghề mộc trong đó có cây thước đo (còn có tên gọi môn xích, dùng để đo cửa). Thước dài 46cm, bề mặt chia làm 8 trực, giữa các trực khắc các chữ tài – đại – tinh, bệnh – thổ – tinh, ly – thuỷ – tinh, nghĩa – thuỷ – tinh, quan – kim – tinh, chấp – hoả – tinh, hại – hoả – tinh, cát – kim – tinh, đồng thời kèm theo các câu về điều tốt xấu (cát, hung). Trong thời cổ, ở Trung Quốc và các nước ảnh hưởng văn hoá Hán đều sử dụng thước lỗ ban với nhiều biến dạng. Hiện nay có hai loại thước lỗ ban chính, sử dụng ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, đó là thước trực 8 (bát môn xích) và thước trực 10 (thập môn xích) với giá trị khác nhau. Và cả hai loại thước này hiện đều cùng in trên cây thước sắt cuốn bán phổ biến trên thị trường, có thước in chữ Hoa, có thước đã được dịch in luôn chữ Việt (phiên âm) cho dễ đọc! Cụ thể nội dung hai loại thước này như sau:
Nguyên tắc lọt lòng khi đo chiều rộng và chiều cao của cửa. |
1. Loại thước trực 8 dài 42,8cm (sau đó là lặp lại), 8 trực là: tài – bệnh – ly – nghĩa – quan – chấp (hoặc nạn) – hại – bản (hoặc mạng); mỗi trực lại chia thành bốn phần chia làm hai khoảng (tên trực nằm giữa), mỗi khoảng ghi các chữ, ví dụ như trong khoảng quan có ghi: thuận lợi, hoành tài, tấn ích, phú quý.
2. Loại thước trực 10 dài 38,8cm; 10 trực là: đinh – hại – vượng – khổ – nghĩa – quan – tử – hưng – thất – tài. Mỗi trực cũng lại chia thành các khoảng ghi các chữ, ví dụ như khoảng đinh ghi: phúc tinh, cập đệ – tài vượng, đăng khoa.
Các trực tốt như tài, nghĩa, quan… được in màu đỏ, xấu như bệnh, tử, hại… thì in màu đen, cho nên nhiều người sử dụng thước theo cách dễ hiểu: thấy kéo thước vô cung đỏ là tốt! Thực tế vẫn còn nhiều biến thể của “thước lỗ ban”, có cái dài 43,9cm, có cái dài đến 56cm (thước Chu Nguyên xích tại bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế). Do vậy có thể tạm kết luận: các loại thước này mang tính tín ngưỡng dân gian là chính, được lưu truyền sử dụng theo kiểu “có thờ có thiêng – có kiêng có lành”. Vấn đề là gia chủ và nhà chuyên môn cần xác định rõ việc đo đạc trong xây dựng một cách khoa học, đảm bảo kỹ thuật – mỹ thuật và có sự gia giảm linh hoạt, không để cho những áp đặt vu vơ làm sai lệch chất lượng của công trình.
Sử dụng thước thế nào?
Nhiều gia chủ hiện nay hay mua cây thước kéo có in các vạch đen đỏ, gặp bất kỳ chỗ nào trong ngôi nhà cũng… kiểm tra, rồi đòi hỏi mọi thứ phải vào được cung tốt (màu đỏ), gây khó khăn cho nhà chuyên môn, ảnh hưởng đến kỹ thuật và mỹ thuật công trình. Vấn dề nằm ở chỗ cần áp dụng kích thước lỗ ban cho những khu vực, chi tiết nào trong nhà để đạt sự hợp lý và đảm bảo nguyên tắc phong thuỷ, không sa đà vào tiểu tiết mê tín.
Vị trí áp dụng
Có ba nguyên tắc làm cơ sở cho việc áp dụng kích thước phong thuỷ trong xây cất. Đó là quan điểm dương trạch khí, các cấp độ môn – táo – chủ, và nguyên tắc hình phễu.
a. Dương trạch khí: đảm bảo nạp khí và thoát khí, thông qua hệ thống cửa, tương quan cửa với toàn nhà. Như Lão Tử thuở trước từng nói: vo đất làm bình cốt để dùng phần rỗng bên trong. Hay quan điểm kiến trúc hiện đại: khoảng không giữa các bức tường quan trọng hơn là bản thân các bức tường! Tức là, con người sống trong môi trường thiên nhiên và nhân tạo, tìm kiếm kích thước hài hoà hợp lý phải căn cứ vào khoảng trống, ở phần rỗng chứ không phải là các phần đặc!
b. Môn – táo – chủ: ba cấp độ này cũng ưu tiên đi từ môn (kích thước hệ thống cửa) đến táo (kích thước bếp) và sau cùng là chủ (các kích thước liên quan đến chủ nhân) trong đó chủ yếu là môn (thước lỗ ban vốn được gọi là môn xích). Còn táo và chủ chỉ cần tương quan tỷ lệ và phù hợp nhân trắc là đủ. Ví dụ kích thước bệ bếp phải vừa tầm người sử dụng, dù có “kéo vào cung đỏ” mà cao quá hay thấp quá cũng đều hỏng.
c. Nguyên tắc hình phễu: để tàng phong tụ khí thì luôn cần hệ kích thước cửa đảm bảo nguyên tắc từ ngoài vào trong theo hình phễu thu dần vào. Cửa cổng phải rộng và cao hơn cửa chính, cửa chính cao rộng hơn cửa phòng, cửa phòng ngủ hơn cửa phòng vệ sinh. Nguyên tắc này đảm bảo cửa nơi đối ngoại đông người nên rộng hơn cửa phòng vốn chỉ dùng đối nội.
Riêng với hệ cửa sổ (song khẩu) thì tránh khấp khểnh thiên lệch so với cửa chính để đảm bảo tính cân bằng. Cửa đi dẫn truyền khí, thiên về vật chất, cửa sổ điều tiết khí và cảnh quan (trong nhìn ra – ngoài nhìn vào) thiên về tinh thần. Khi cửa đi đóng (ví dụ vào ban đêm) thì cửa sổ chính là nguồn điều tiết thông thoáng và tầm nhìn, do đó kích thước cửa sổ không bắt buộc phải theo thước lỗ ban mà quan trọng là tương quan cửa sổ đối với nhà hay phòng.
Đo thông thuỷ hay phủ bì?
Vì kích thước phong thuỷ áp dụng cho nội khí, tức là phải đo các khoảng lọt lòng thông thuỷ cho khí đi qua, tức là đo khoảng trống (phần tĩnh ổn định) chứ không phải đo cánh cửa (phần mở mang tính động). Cụ thể là đo phần lọt lòng nhỏ nhất của khuôn bao, nhiều thợ hay gọi là lọt lòng gió. Về chiều cao, cần tính và đo khoảng lọt lòng từ sàn hoàn thiện đến phần thấp nhất của khuôn bao bên trên.
Những khung cửa không có cánh cũng đo phần lọt lòng nhỏ nhất và cố định như đã nêu trên. Đối với loại cửa vòm, chiều cao đo tính đến phần đỉnh vòm. Đối với cửa có phần lật hoặc cố định bên trên, kích thước phong thuỷ chỉ tính với phần khung có cánh mở được bên dưới. Cách tính này đảm bảo các bộ cửa đi theo ý đồ thẩm mỹ và tương quan với ngôi nhà, miễn phần mở để đi lại theo kích thước phong thuỷ, những phần chung quanh chỉ đóng vai trò như cửa sổ, lấy sáng và thông thoáng.
ThS.KTS Hà Anh Tuấn(Theo SGTT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét