Các kiến trúc sư đầu năm cũng hay nhìn nhận lại mình, để nhận xét và dự báo, để năm mới có thêm sáng tạo mới, điều chỉnh và theo kịp các xu thế của xã hội. Tính chất nghề nghiệp thì vẫn vậy, nhiều sức ép và trăn trở, nhưng việc hình thành một thế hệ chủ đầu tư mới trong những năm qua đang có tác động ít nhiều đến việc tư vấn – thiết kế – xây dựng nhà dân dụng hiện nay.
Phòng khách bài trí ít đồ vật, không rườm rà. |
Trong lĩnh vực xây dựng nhà ở tư nhân, độ tuổi gia chủ hiện nay đã phần lớn tập trung ở thế hệ 6X, 7X, thậm chí nhiều bạn trẻ ở thế hệ 8X. Họ tỏ ra có kiến thức và cá tính, thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình với nhà chuyên môn. Bên cạnh đó, sự phong phú của các chủng loại vật liệu xây dựng, các kênh thông tin về sản phẩm và dịch vụ kiến trúc – nội thất đa dạng hơn, nhanh chóng hơn đã giúp diện mạo xây dựng nhà ở tư nhân năm 2009 thêm phần đa sắc, chủ yếu tập trung ở các xu hướng sau:
Cân đối chung – riêng
Các không gian chung đang được giảm bớt sự phô trương, và các không gian riêng tư ngày càng được đầu tư kỹ. Đơn cử như phòng ngủ, phòng vệ sinh, góc làm việc, góc thư giãn… hay được các gia chủ trăn trở quan tâm nhiều hơn. Trước đây khoảng chục năm, không gian trung tâm của ngôi nhà thường là phòng khách, với quan điểm phòng khách là bộ mặt đại diện, là nơi “tốt khoe xấu che”, đi kèm theo nhiều kiểu trang trí phức tạp, tủ trưng bày hoành tráng hay salon chạm trổ cầu kỳ. Hiện nay, với xu hướng trẻ hoá của lớp gia chủ thế hệ mới nên dù phòng khách vẫn giữ vị trí trung tâm trong căn hộ hay ngôi nhà, nhưng cách bài trí đi theo lối vừa phải: một bộ salon vừa đủ tiếp khách chung, vài vật dụng cần thiết, không gian thoáng đãng, đưa nhiều thiên nhiên vào nội thất. Nhiều gia chủ còn tách biệt khách thân – khách sơ để biến phòng sinh hoạt gia đình cũng là một nơi tiếp khách thứ hai. Cá tính của chủ nhân bộc lộ rõ nét hơn, hướng đến sự độc đáo cũng như khẳng định “cái tôi” của gia chủ chứ không theo lối “thấy nhà kia làm vậy thì muốn làm theo” như trước đây nữa.
Phần nội thất quyết định đẳng cấp gia chủ |
Các chủ đầu tư trẻ tuổi cũng quan tâm nhiều hơn đến phong thuỷ ứng dụng trong không gian sống của mình một cách linh hoạt, không chỉ thể hiện ở việc hướng nhà, hướng bếp mà còn đi sâu, thậm chí quan tâm đến cả màu sắc của vật dụng, màu sơn… sao cho hợp với mình (cả về ý thích lẫn phong thuỷ). Các tông màu chung chung, quen thuộc đang nhường chỗ cho những gam màu mạnh và ấn tượng. Với sự tư vấn của kiến trúc sư, gia chủ thế hệ mới tham gia một cách thích thú vào việc trang trí, lựa chọn vật dụng và đóng vai trò người quyết định sau cùng, nhất là ở phần nội thất. Đối với nhà căn hộ chung cư hay nhà xây theo mẫu chung của khu quy hoạch thì phần nội thất chiếm tỷ trọng lớn, và chính phần nội thất riêng quyết định đẳng cấp không gian của những ngôi nhà có phần chung giống nhau ấy.
Bếp và phòng ăn được đầu tư nhiều |
Thêm mềm bớt cứng
Khoảng ba năm vừa qua, nhiều gia chủ đã yêu cầu giảm thiểu các mảng tường ngăn chia cứng mà thay vào đó bằng những vách ngăn nhẹ, tủ đa năng để cơ động không gian hơn. Giấy dán tường thay thế dần các sơn phết cầu kỳ bởi có nhiều mẫu mã đa dạng, dễ thay thế khi muốn làm mới rèm cửa, không chỉ là vật liệu che chắn thuần tuý mà còn là những bức tranh, mảng miếng trang trí mềm mại, cá tính. Các vật liệu “mềm” khác như vách thạch cao, thảm, tranh ảnh… cũng được sử dụng nhiều hơn, rút ngắn được thời gian thi công theo kiểu hoàn thiện “cứng”.
Phần “cứng” của ngôi nhà cũng đang được thế hệ gia chủ mới tiết kiệm (nhưng hợp lý và an toàn) để đầu tư cho phần “mềm”, quan tâm nhiều hơn đến vật dụng nội thất của ngôi nhà. Thậm chí chỉ một cái bàn hay tủ kê nhỏ họ cũng đề nghị được tư vấn để có được sự đồng bộ hài hoà. Mảng không gian cây xanh, thoáng mát,… hầu như luôn được khách hàng đặt ra trong tiêu chí thiết kế ngay từ ban đầu. Thậm chí họ sẵn sàng “hy sinh” một phần diện tích trong ngôi nhà để làm khoảng thông thoáng hợp lý, phù hợp phong thuỷ, chi phí cho việc cung cấp và bảo dưỡng cây xanh cũng được quan tâm nhiều hơn.
Thiết kế nội thất thể hiện cá tính theo sở thích cá nhân |
Đã bắt đầu hình thành một thế hệ gia chủ biết người biết việc, biết đặt chi phí đúng chỗ. Ngoài việc tìm cho mình một nhà thiết kế có thể đồng hành với mình trong suốt quá trình xây dựng, một nhà thầu chuyên nghiệp, họ còn rất quan tâm đến tư vấn giám sát kỹ thuật trong suốt quá trình xây dựng công trình. Chỉ với một chi phí nhỏ, không đáng kể so với tổng giá trị đầu tư cho công trình, chiếm khoảng 0,01 – 0,015% giá trị công trình nhưng các nhà giám sát này sẽ là người kết nối xuyên suốt các công đoạn hoàn thành một ngôi nhà. Trung bình một công trình trị giá khoảng 3 tỉ đồng, thi công trong khoảng thời gian 8 tháng thì chi phí dành cho giám sát công trình khoảng 50 triệu. Cùng với thiết kế phí, chi phí giám sát sẽ khiến tổng chi phí xây dựng phải cộng thêm, nhưng rõ ràng, gia chủ sẽ giảm bớt phát sinh, kiểm soát tốt quá trình xây dựng cũng như có được một “lý lịch hoàn chỉnh” cho ngôi nhà của mình.
Đơn cử như trường hợp ngôi nhà ông C. ở quận Bình Thạnh, khi thuê đơn vị thiết kế và sau đó thi công cho toà nhà vừa là nhà ở vừa kinh doanh của mình, đã chọn được cách làm phù hợp và bài bản: đơn vị tư vấn – thiết kế làm đại diện giúp ông tìm các nhà cung cấp từ thi công cọc khoan nhồi, giám sát chất lượng thi công công trình… Nhờ vậy nhà thiết kế sẽ có cơ hội kiểm soát tốt hơn công trình thiết kế của mình, gia chủ an tâm về chất lượng và tập trung công sức nhiều hơn cho phần mua sắm vật dụng, thiết bị.
Cá tính hoá không gian riêng tư |
Song hành nội ngoại
So với khoảng chục năm trước khách hàng hay quan tâm đến diện mạo bên ngoài (mặt tiền) thì hiện nay, nhiều gia chủ muốn có những thiết kế nội thất chi tiết sao cho đồng bộ và đầy đủ. Đây cũng là một thách thức đối với các công ty thuần tuý thiết kế xây dựng mà không chuyên sâu nội thất, bởi đa số khách hàng trẻ biết đọc bản vẽ và muốn xem phối cảnh 3D đầy đủ về ngôi nhà của mình nhiều hơn. Theo số liệu của công ty Kiến Xanh, 90% khách hàng đến thiết kế đều sử dụng dịch vụ thiết kế chi tiết từ nội thất đến từng vật dụng sao cho thật tiện nghi, phù hợp với hoàn cảnh sống của mình. Tỷ lệ này, thời điểm hai năm về trước chỉ chiếm khoảng 20 – 30%.
Một “tổng kết” vui khác là vai trò của nữ giới – bên ngoại – khi xây nhà ngày càng nổi bật hơn so với các quý ông – bên nội! Khi thiết kế kỹ thuật và xây dựng phần thô khung xương cho ngôi nhà thường chỉ có các đấng ông chồng đứng ra quyết định mọi việc, nhưng khi bắt đầu công đoạn hoàn thiện thì các “bà nội tướng” lại quyết định đa số chi tiết hoàn thiện. Lý do khá đơn giản: họ thực sự nắm rõ gia đình của mình cần gì (bởi các ông chồng thì thời gian phần lớn là… đi ra ngoài). Các phụ kiện phục vụ nhà bếp, các tiện ích thư giãn, làm đẹp trong khu vệ sinh cũng được đầu tư, chăm chút nhiều hơn bởi các nữ chủ nhân. Nhiều gia đình chấp nhận bỏ ra cả trăm triệu để trang bị một không gian bếp thực sự hoàn hảo, với các phụ kiện làm bếp cao cấp và do vậy các hãng cung cấp sản phẩm bếp trọn gói được tham gia vào quá trình hoàn thiện ngôi nhà nhiều hơn. Như chị P. ở quận 7, sau khi tìm hiểu cùng với sự tư vấn của đơn vị thiết kế và xây dựng của mình, đã quyết định không làm bếp theo kiểu “cũ” (tức là xây gạch ốp mặt đá gắn tủ treo) mà thuê công ty D. tư vấn – thiết kế – lắp đặt cho mình một không gian bếp hoàn hảo đến từng chi tiết, với tổng chi phí gần 400 triệu đồng.
Chú ý đến tiện nghi cho bản thân |
Xu hướng sử dụng sản phẩm nội địa khi xây nhà cũng tăng lên và chính các sản phẩm nội địa cũng đã đủ sức thuyết phục các nhà thiết kế mạnh dạn tư vấn cho khách hàng của mình. Các công ty tư vấn và gia chủ đều trao đổi thẳng thắn về chi phí dự kiến dành cho ngôi nhà, và từ đó tìm kiếm những chủng loại vật liệu tương ứng. Khi ngân quỹ xây nhà bị khống chế, thì nếu biết chọn lựa, Hàng Việt Nam chất lượng cao vẫn đảm bảo đủ các tiêu chí mà khách hàng và nhà thiết kế đặt ra. Theo thống kê nội bộ của công ty Kiến Xanh, ngoài số vật liệu làm phần thô đã hầu như không thể thay thế như ximăng Hà Tiên, Sao Mai, cát, đá, sắt thép, gạch xây Đồng Nai, Thạch Bàn… thì có gần 80% vật liệu hoàn thiện có thể sử dụng hàng Việt Nam như vật liệu chống thấm, gạch ốp lát, sơn nước, sơn dầu, đèn chiếu sáng, thiết bị điện và phụ kiện của nhà tắm… với chất lượng không thua kém gì hàng ngoại nhập.
Thế hệ gia chủ mới đồng hành cùng các nhà chuyên nghiệp ngày càng khẳng định xu thế hiện đại hơn, tiết kiệm chi phí một cách hợp lý và cá tính hoá không gian sống nhiều hơn. Tuy nhiên những bài toán lớn như thiết kế – xây dựng thân thiện môi trường, giảm lãng phí và ô nhiễm khi thi công, nhà ở thông minh… vẫn đang còn ở phía trước, chờ đợi những lời giải mang tính đột phá và sáng tạo không ngừng.
Bài: KTS Hà Anh Tuấn
ảnh: Thu Thuỷ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét