Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Đồ án sinh viên kiến trúc: tính ứng dụng và căn bệnh hình thức

Có thể khẳng định rằng sinh viên ngày nay nói chung, sinh viên kiến trúc nói riêng ngày càng bộc lộ được sự năng động, thông minh và sáng tạo.

Trong các cuộc thi về kiến trúc, đối tượng đoạt giải là sinh viên hoặc những KTS trẻ chiếm tỷ lệ ngày càng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải nhìn nhận một vấn đề rất đáng lo ngại, đó là tính ứng dụng trong các đồ án thiết kế của các bạn trẻ này. Liệu có ai đó giật mình nghĩ rằng mình như đang mộng du đi trên các tòa nhà cao tầng?

Tính ứng dụng đạt tới đâu?

Theo PGS. TS Phạm Hùng Cường, giảng viên trường ĐH Xây dựng Hà Nội thì có tới 50 - 60 % đồ án của sinh viên bị sai về nguyên lý kiến trúc và lỗi kỹ thuật do chưa nắm được nguyên lý giải quyết vấn đề. Đây là một thực tế cần khắc phục bởi chúng ta không thể đào tạo một đội ngũ kiến trúc sẽ tạo nên diện mạo nước nhà mà khi ra trường chưa nắm vững những logic thiết kế. Sinh viên hiện nay chủ yếu nặng về tính thẩm mỹ, tính hình thức và còn “bay bổng” quá nhiều dẫn đến những điều thiếu thực tế. Khi thực hiện đồ án, sinh viên thường trong tình thế rất bị động, chưa biết phát hiện vấn đề. Trong những giờ hướng dẫn đồ án thì sinh viên thường vắng mặt rất nhiều và không coi trọng nhiều. Sinh viên thường dành nhiều thời gian để vẽ hơn là để tư duy.

Trong một đồ án của sinh viên, chúng ta cũng không thể đòi hỏi quá cao ở họ về yếu tố kỹ thuật nhưng sinh viên cần khả năng giải quyết vấn theo tư duy lôgic. Sinh viên trước tiên phải biết mình cần gì, sau đó mới đi tìm hướng giải quyết, và hướng giải quyết đạt hiệu quả tới đâu thì phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người. Đôi khi, sinh viên hay nhầm lẫn giữa bản thân và đối tượng thiết kế. Không phải mình cứ muốn gì là áp đặt lên mà cần phải quan tâm xem đối tượng mình thiết kế là cái gì? Phục vụ cho ai? KTS không được muốn thế này, muốn thế kia mà phải là từ đề tài, đối tượng sử dụng, xã hội muốn gì? Đây chỉ là một yếu tố nhỏ nhưng không phải ai cũng hiểu rõ.

Có những sinh viên khi thiết kế một khu vui chơi lại nghĩ luôn đến việc sẽ cho những gì mình thích vào đó như con Rồng uốn lượn chẳng hạn mà quên mất là nghĩ đến đối tượng sử dụng. Khi hỏi một sinh viên làm đồ án thiết kế rạp hát rằng tại sao bạn lại làm mái vòm thế này, sao ghế ngồi lại bố trí thế này?... Sinh viên đó đã không lý giải được những nguyên lý lôgic về kỹ thuật cần có để tạo nên phương án mà chỉ đơn thuần là thấy nó đẹp, hoành tráng. Đây là lỗi thường thấy ở các sinh viên hiện nay khi thực hiện đồ án.

Những lí giải từ thực tiễn

Tuần “chạy lụt” của sinh viên kiến trúc. Có chứng kiến cảnh sinh viên kiến trúc vào thời gian thi và nộp đồ án mới có thể thấy hết được cái cách học, cách làm đồ án của họ. Được gọi là tuần “chạy lụt” vì thông thường họ chỉ làm đồ án trong khoảng một tuần lễ và đó thực sự là tuần “quên ăn, quên ngủ”. Thời gian để suy nghĩ, tư duy không có mà một tuần đó chủ yếu dành cho việc vẽ phối cảnh. Bạn làm xong sớm sẽ giúp những bạn khác chưa xong vẽ một phần đồ án mà rõ ràng đó không phải là cái mình đã tìm hiểu. Như vậy, thời gian đâu để dành cho đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Làm xong kịp thời gian nộp đã là tốt rồi. Chưa hết, cá biệt có những sinh viên còn mua đồ án có sẵn từ các dịch vụ vẽ thuê. Các thầy cô hướng dẫn nếu không kiểm tra sát sao tiến độ thực hiện đồ án của sinh viên từ đầu sẽ khó mà phát hiện được những điều “thật - giả” này.

Bệnh ưa hình thức của người Việt. Người dân Việt Nam từ trước tới giờ rất quan tâm đến hình thức. Trong thiết kế kiến trúc cũng vậy, đó là yếu tố tiên quyết trong một công trình, một đồ án. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ dẫn tới các đồ án của sinh viên kiến trúc hiện nay quá nặng về hình thức mà yếu về công năng, nguyên lý. Kiến trúc sư là phải biết vẽ, vẽ đẹp. “Khi vào trường thì thi vẽ, khi xin việc các bạn thi vẽ phối cảnh”. Các đồ án thiết kế kiến trúc, quy hoạch khi duyệt cũng vậy, phối cảnh được duyệt đầu tiên. Chính vì vậy nên KTS hiện nay rất cần vẽ đẹp. Sinh viên ngành kiến trúc của nước ngoài đôi khi vẽ kém hơn chúng ta rất nhiều, tuy nhiên họ lại nổi trội hơn hẳn ở cách đặt vấn đề, cách tiếp cận ở các yếu tố về công năng, kinh tế, kỹ thuật. Cũng cần phải nói rõ hơn: một công trình kiến trúc khác với một công trình xây dựng đơn thuần là phải có vẻ đẹp, vẻ đẹp đó chính là do bàn tay của các KTS vẽ nên. Đây chính là yếu tố khiến các sinh viên mất quá nhiều thời gian cho việc vẽ phối cảnh mà không còn đủ thời gian để tìm tòi, nghiên cứu đến các yếu tố khác.

Sinh viên kiến trúc cần gì?

Đầu tiên chúng ta cần nhận thức rõ về tính thực tiễn trong một công trình kiến trúc là gì. Có thể hiểu đơn giản là sinh viên có thể nắm được bài bản các quy trình hay các bước để thiết kế được một công trình. Khi bạn thiết kế một biệt thự, bạn phải có được hình dáng khu đất và vị trí địa lý của nó trong đầu. Từ khu đất mới nghĩ ý tưởng, có ý tưởng là phải phác họa ngay rồi mới đi sâu tìm hiểu các chi tiết kiến trúc. Các sinh viên cũng cần làm việc với kết cấu để tìm hiểu xem với một công trình như vậy, ý tưởng như vậy thì có gặp khó khăn gì trong kết cấu hay không, điện nước bố trí thế nào,... Việc ra công trường tìm hiểu thực tế là một yêu cầu cần thiết không thể thiếu khi thiết kế một đồ án. Nên gắn đồ án với một công trình đang xây dựng để rút ra kinh nghiệm. Nhưng đây lại là điều “xa xỉ” của sinh viên.

Dành thời gian nhất định để tìm hiểu, nghiên cứu các cuốn sách về kết cấu, lý luận lôgic trong thiết kế sáng tạo một công trình. Đây là những tiền đề, những nền móng đầu tiên để sinh viên có thể bước chân vào việc làm đồ án. Tuy nhiên, hiện nay sinh viên đang nhầm lẫn giữa việc làm thực tế và nghiên cứu học tập. Bắt đầu từ năm thứ 2, các bạn đã tham gia cộng tác và làm việc tại các công ty kiến trúc. Sang đến năm thứ 3, các bạn đã được làm những công trình thật và được nhận lương. Học được rất nhiều điều từ việc đi làm thực tế, đó là điều không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ rằng việc thực hành tại các công ty khác hoàn toàn với việc thực hành trong các xưởng đào tạo bởi tính định hướng của nó. Yếu tố kinh tế và lợi ích chi phối tất cả. Sẽ chẳng có mấy người giảng dạy, gợi mở vấn đề cho sinh viên mà sẽ chỉ là làm thế này hay làm giống thế này. Cũng có nhiều sinh viên chọn cách thực hành tại các xưởng hoặc công ty của thầy cô. Ở đây vừa được học, vừa được làm. Đây là một điều rất tốt nhưng tất nhiên không phải ai cũng có cơ hội. Thường thì chỉ dành cho một số sinh viên ham học hỏi và có thành tích nổi bật. Số lượng này không nhiều, còn lại các sinh viên khác thì vẫn không thể tự tìm ra cho mình được một cơ hội thực sự.

Qua giải thưởng Loa thành lần thứ 20 vừa rồi, dường như các nhà chuyên môn cũng đang hướng tới tính thực tiễn trong các đồ án của sinh viên. Mọi năm, các giải cao thường được trao cho những đồ án rất vĩ mô và không tưởng, nhưng năm vừa rồi lại là đồ án hết sức cụ thể, gần gũi và đơn giản. Có lẽ, đó cũng là định hướng mà sinh viên nên chú trọng khi thiết kế các đồ án của mình.
(http://mag.ashui.com)

Không có nhận xét nào: