Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009

Với chủ đầu tư việt nam?



Vấn đề mà bất cứ công ty thiết kế Việt Nam nào hoặc các công ty kiến trúc nước ngoài hành nghề tại Việt Nam đều gặp phải - đó là mẫu thuẫn giữa ý tưởng thiết kế của người thiết kế và chủ đầu tư.


Việc cố gắng dung hòa được giữa quan điểm của chủ đầu tư và quan điểm thẩm mỹ kiến trúc của KTS là điều kiện để 2 bên làm việc được với nhau mà vốn thường xuyên xảy ra rất nhiều mâu thuẫn.

Phải ngồi lại được với nhau để bàn, để thống nhất thì ý tưởng thiết kế mới có thể chắp cánh trở thành hiện thực được.


Đã có nhiều công trình, KTS đưa ra những đồ án rất đẹp, rất hiện đại theo ý kiến chủ quan của mình, nhưng khi làm việc với chủ đầu tư thì vấn đề đo lại được xoáy sang vấn đề khác, đó là tính hiệu quả của công trình.


Dĩ nhiên, KTS làm việc cho chủ đầu tư phải quan tâm tới hiệu quả, nhưng quan điểm hiệu quả, thẩm mỹ của KTS với chủ đầu tư đôi khi rất khác xa nhau dẫn đến những mâu thuẫn, khiến công trình khi hoàn thiện không còn được nguyên vẹn như ý tưởng ban đầu.


Trong một công trình, những ý tưởng chủ đạo phần lớn của KTS, nhưng thực tế nhiều khi chủ đầu tư cũng can thiệp rất nhiều. Nếu sự can thiệp đó có hướng hài hòa với người KTS thì nó là điểm cộng thêm, đưa dự án đến đích tốt hơn, kết quả tốt hơn. Ngược lại, với những suy nghĩ nằm trong sự đối kháng, để giải quyết được mâu thuẫn này đã làm cho dự án bị trì trệ về thời gian, đồ án thiết kế mất đi cá tính riêng, ngày càng xa ý tưởng ban đầu của KTS. Đây là điều rất hay xảy ra tại Việt Nam.


Khi làm việc với chủ đầu tư Việt Nam, có những chủ đầu tư rất hiểu vai trò của KTS. Họ gần như dành cho nhà thiết kế toàn quyền tự do quyết định công trình, miễn sao công trình thật đẹp, thật tốt, thật hiệu quả trong khả năng kinh tế mà họ đưa ra. Như vậy sẽ thoải mái cho cả hai bên. Trường hợp này cũng xảy ra rất nhiều.


Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư Việt Nam đến với nhà tư vấn trong khi đã định sẵn một mô hình trong đầu mà họ đã thấy ở đâu đó. Họ cứ lấy cái mô hình sẵn có này ra để áp đặt cho người KTS phải làm theo, như vậy rất khó cho việc sáng tạo. Điều này thường thấy với các chu đầu tư người Việt, còn với chủ đầu tư nước ngoài thì không, hoặc rất ít xảy ra. Lý do ở đây là gì?


Với chủ đầu tư nước ngoài, họ tìm hiểu về nhà tư vấn rất kỹ với mong muốn họ sẽ tạo ra một điều khác biệt, mang dấu ân riêng cho mình, chứ không phải là muốn một công trình sao chép nơi nào đó. Họ hoàn toàn đặt niềm tin vào KTS, nếu thấy làm việc không hợp nhau họ có thể đổi sang làm việc với người khác. Điều này rất rõ ràng và dễ làm việc.


Hội nhập quốc tế là tất yếu. Mở cửa thì luôn có sự cạnh tranh. Vấn đề cốt lõi, mang tính muôn thủa không phải ở việc phân chia KTS nước ngoài và KTS trong nước mà là vấn đề “chọn mặt gửi vàng” của người chủ đầu tư. Với những công ty tư vấn, người KTS đứng đầu luôn giữ vai trò là điểm tựa và uy tín cho cả công ty, kế đó là những KTS cộng sự bên dưới. Nếu cộng sự đó tốt sẽ đem đến tên tuổi và uy tín cho công ty tốt hơn, và ngược lại.


Hiện nay có không ít chủ đầu tư có tâm lý trọng ngoại. Điều đó là không tránh khỏi. Có nhiều người cho rằng, chỉ cần một cái tên thiết kế nước ngoài thì có thể bán dự án tốt hơn, giá cao hơn, nhưng thực ra đó chỉ là cái “hù” ban đầu thôi, khi công trình đưa ra thực tế, đã hoàn thành rồi thì lúc đó mới đánh giá thực chất được chất lượng.


Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn các nhà tư vấn nước ngoài. Trải qua các cuộc thi tuyển, chúng ta thấy nhiều tên tuổi các công ty lớn từ Mỹ, Pháp, Châu Âu, và một số nước trong khu vực đã đến Việt Nam. Đó là yếu tố tốt, tích cực và thấy rất rõ.

Với câu chuyện về nhà thiết kế và chủ đầu tư như trên, hy vọng chúng ta sẽ rút dần những khoảng cách về suy nghĩ, quan điểm thẩm mỹ và thiết kế để tạo dựng nên một diện mạo kiến trúc mới của Việt Nam hiện đại và bản sắc mang tầm quốc tế.

KTS Hồ Thiệu Trị

Công ty Tư vấn kiến trúc Hồ Thiệu Trị và cộng sự
Theo tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 09/2009

Không có nhận xét nào: